Trái phiếu doanh nghiệp là gì? Trái phiếu có phải là kênh đầu tư an toàn?

 

Thời gian gần đây, các kênh truyền thông báo chí liên tục đưa tin về các cá nhân, doanh nghiệp phát hành trái phiếu lừa đảo người dân hàng nghìn tỷ đồng. Vậy trái phiếu doanh nghiệp là gì, có đặc điểm như thế nào? Trái phiếu có phải là kênh đầu tư an toàn? Đâu là những loại trái phiếu uy tín để bạn an tâm đầu tư?

Trái phiếu kênh đầu tư đang tăng trưởng mạnh hiện nay

1. Trái phiếu là gì?

Trái phiếu là giấy ghi nợ/chứng khoán nợ chứng nhận nghĩa vụ nợ của đơn vị phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định và với một lợi tức quy định.

Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán nợ do doanh nghiệp phát hành, có kỳ hạn từ 01 năm trở lên với mục đích xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phá sản hoặc giải thể nhà đầu tư sẽ được ưu tiên thanh toán so với mua chứng khoán

2. Đặc điểm của trái phiếu

Như đã nhắc đến, trái phiếu là một loại chứng khoán nợ, vì vậy đơn vị phát hành trái phiếu doanh nghiệp có trách nhiệm trả tiền lãi cố định và định kỳ (hay còn gọi là lợi tức) cho người sở hữu trái phiếu. Thời gian trả lãi thường có thể là 3 tháng/lần, 6 tháng/lần, 1 năm/ lần hoặc một kỳ hạn xác định khác tùy vào điều khoản thỏa thuận trước đó của từng loại trái phiếu.

Trái phiếu được xem là một tài sản nên có các đặc tính nổi trội của tài sản như: tính sinh lời, tính thanh khoản và tính rủi ro.

Nếu người mua cổ phiếu sẽ trở thành cổ đông sở hữu công ty thì người mua trái phiếu doanh nghiệp là chủ nợ cho doanh nghiệp vay tiền vì vậy một khi doanh nghiệp/công ty phá sản hoặc bị giải thể người dân mua trái phiếu sẽ được ưu tiên thanh toán trước so với cổ đông công ty.

Trái phiếu chính phủ được xem là kênh đầu tư an toàn nhất hiện nay

3. Phân loại trái phiếu

Hiện tại các trái phiếu phát hành tại Việt Nam được phân loại theo nhiều tiêu chí bao gồm: chủ thể phát hành, mức độ đảm bảo thanh toán, lợi tức, và phân loại theo các điều kiện kèm theo. Cụ thể:

Phân loại trái phiếu theo chủ thể phát hành

  • Trái phiếu chính phủ: Do chính phủ phát hành, nhằm huy động tiền nhàn rỗi của người dân và các tổ chức để phục vụ nhu cầu chi tiêu của chính phủ. Đây được xem là trái phiếu ít rủi ro nhất.
  • Trái phiếu doanh nghiệp: Đây là trái phiếu do doanh nghiệp phát hành có lãi suất cao nhưng đồng thời cũng đi kèm với rủi ro cao doanh nghiệp mất khả năng thanh khoản.
  • Trái phiếu của các tổ chức tài chính ngân hàng: Do các đơn vị tài chính ngân hàng phát hành nhằm huy động  tăng thêm vốn hoạt động.

Phân loại trái phiếu theo mức độ đảm bảo thanh toán

  • Trái phiếu đảm bảo: Đơn vị phát hành sử dụng một tài sản có giá trị để đảm bảo cho người mua trái phiếu. Trong trường hợp đơn vị phát hành mất khả năng thanh toán cho người mua khi trái phiếu đáo hạn thì tài sản đảm bảo sẽ được bán ra để thu tiền trả nợ cho người mua.
  • Trái phiếu cầm cố: Người/đơn vị phát hành trái phiếu cầm cố tài sản thường là bất động sản có giá trị lớn hơn tổng số trái phiếu phát hành để đảm bảo các giao dịch trái phiếu cho người mua.
  • Trái phiếu đảm bảo bằng chứng ký quỹ: Người đơn vị phát hành sẽ ký quỹ chuyển nhượng cổ phần chứng khoán mà họ đang sở hữu để làm tài sản đảm bảo.
  • Trái phiếu không đảm bảo: Người/đơn vị phát hành đảm bảo bằng sự uy tín của mình mà không phải dùng tài sản, cổ phiếu sở hữu để đảm bảo.

Phân loại trái phiếu theo điều kiện kèm theo

  • Trái phiếu chuyển đổi: Do công ty cổ phần phát hành cho phép người mua trái phiếu doanh nghiệp chuyển đổi sang cổ phiếu thông thường của doanh nghiệp theo các điều kiện thỏa thuận trước đó.
  • Trái phiếu thu hồi: Được phát hành kèm điều kiện đơn vị phát hành mua lại một phần hoặc toàn bổ trái phiếu họ phát hành trước ngày đáo hạn ở mức giá nhất định trong ngày quy định.

Phân loại trái phiếu theo lợi tức

  • Trái phiếu có lãi suất cố định: Lợi tức của trái phiếu được xác định dựa theo tỷ lệ % cố định tính theo mệnh giá
  • Trái phiếu có lãi suất biến đổi: Lãi suất có sự biến đổi được tính theo sự tham chiếu của trái phiếu. Lợi tức của trái phiếu được trả cho người mua trong các kỳ là không giống nhau.
  • Trái phiếu có lãi suất bằng 0: Người mua sẽ mua trái phiếu với mức giá thấp hơn so với mệnh giá. Tuy nhiên người mua sẽ không nhận được lãi mà sẽ được hoàn trả bằng với mệnh giá khi trái phiếu đáo hạn theo quy định.

Phân loại theo tính chất trái phiếu

  • Trái phiếu ghi danh: Trái phiếu ghi tên người mua và trong sổ sách của đơn vị phát hành theo đặc điểm của trái phiếu
  • Trái phiếu vô danh: Trái phiếu không ghi tên người mua và trong sổ sách của đơn vị phát hành.

Phát hành trái phiếu giúp doanh nghiệp dễ huy động vốn hơn

4. Vì sao doanh nghiệp phát hành trái phiếu

Trái phiếu doanh nghiệp giúp công ty dễ dàng huy động vốn mà không làm giảm vốn sở hữu hiện tại của các cổ đông.

Vay tiền thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trực tiếp cho các nhà đầu tư các doanh nghiệp tập đoàn có thể giảm bớt được các khoản chi phí phát sinh cũng như các thủ tục phức tạp phải đàm phán, gặp gỡ giao dịch so với vay tiền ngân hàng đồng thời

Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng thường sẽ không cho vay lãi suất cố định dài hơn 5 năm vì vậy nếu các doanh nghiệp muốn huy động vốn vay tiền với tỷ lệ cố định trong thời gian dài hơn so với lãi suất thì việc phát hành trái phiếu sẽ giúp họ giải quyết vấn đề trên.

Nhà đầu tư cá nhân cần cẩn trọng khi lựa chọn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

5. Rủi ro của trái phiếu

Thị trường trái phiếu hiện đang tăng trưởng nhanh chóng và đang được mở rộng với quy mô lớn. Theo tổng kết trong 6 tháng đầu năm 2022, khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ đạt 257.857 tỷ đồng. Đây được xem là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên gần đây từ việc lãnh đạo tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt liên quan đến trái phiếu cùng lô trái phiếu của tập đoàn này bị hủy bỏ đã khiến gần 7.000 nhà đầu tư mua trái phiếu mất ăn, mất ngủ vì không biết bao giờ mới nhận lại được tiền gốc dù hơn 6 tháng đã qua. Hay sự việc nóng gần đây nhất khi Bà Trương Mỹ Lan Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group) và các đồng phạm vừa mới bị bắt với cáo buộc gian dối trong phát hành và mua bán trái phiếu, chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng khiến nhiều trái chủ lo lắng.

Điều này dấy lên hồi chuông cảnh báo về rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp và nhà đầu tư cần phải thật cẩn trọng trong việc lựa chọn trái phiếu đầu tư.

Khác với trái phiếu chính phủ một trái phiếu doanh nghiệp với lời mời chào lãi suất cao hơn so với tài chính doanh nghiệp khiến nhà đầu tư dễ sập bẫy

6. Vì sao có nhiều người dân sập bẫy trái phiếu doanh nghiệp

Hiện nay truyền thông liên tục đưa tin về việc người đầu tư bị sập bẫy trái phiếu doanh nghiệp nguyên nhân do đâu?

Có thể nói nguyên nhân đầu tiên đồng thời cũng là nguyên nhân chủ yếu nhất khiến người dân sập bẫy trái phiếu doanh nghiệp chính là do các nhà đầu tư cá nhân thiếu khả năng đánh giá, phân tích rủi ro của trái phiếu nhưng vẫn tham gia mua trái phiếu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngụy tạo hồ sơ một cách tinh vi, đưa ra các đề án kinh doanh giả nhằm tạo lòng tin với các nhà đầu tư, không đúng với thực tế, thông tin hứa hẹn hoa mỹ khiến nhà đầu tư tin tưởng và mua trái phiếu dù tình hình công ty không hề khả quan.

Đồng thời, một số doanh nghiệp đẩy mức lãi suất phát hành trái phiếu lên cao để huy động vốn dù tình hình tài chính còn yếu khiến người dân dễ dàng thấy cái lợi trước mắt là lãi suất cao mà đầu tư mà không quan tâm đến rủi ro.

Nhà đầu tư cần chọn mặt gửi vàng lựa chọn trái phiếu uy tín để đầu tư

7. Các loại trái phiếu uy tín để đầu tư

Các chuyên gia khuyên rằng, nhà đầu tư nên cẩn trọng phân tích kỹ càng “chọn mặt gửi vàng” lựa chọn các loại trái phiếu doanh nghiệp uy tín để đầu tư.

Hiện nay bên cạnh trái phiếu chính phủ, thì trái phiếu của công ty cổ phần chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) iBond là trái phiếu được nhiều nhà đầu tư lựa chọn bởi:

  • Trái phiếu iBond được bảo lãnh thanh toán bởi trái phiếu của các doanh hàng đầu Việt Nam như Vingroup, Masan…
  • Luôn được thẩm định chặt chẽ trước khi phát hành ra thị trường đảm bảo tính an toàn khi đến tay nhà đầu tư
  • Nhà đầu tư sẽ nhận được đầy đủ các quyền lợi của mình như: nhận được thông tin định kỳ minh bạch kèm theo bảng chấm điểm doanh nghiệp kể từ khi bắt đầu mua trái phiếu cho đến khi
  •  được hưởng đầy đủ quyền lợi của trái chủ, được cung cấp thông tin minh bạch và định kỳ cùng với bảng xếp hạng/chấm điểm doanh nghiệp từ khi mua trái phiếu cho đến khi đáo hạn.

Mặc dù lãi suất của trái phiếu do đơn vị uy tín phát hành chỉ cao hơn 1 - 2% so với lãi suất gửi tiết kiệm nhưng đây là kênh đầu tư an toàn hơn so với các các doanh nghiệp ít danh tiếng. Bởi các doanh nghiệp này đôi khi vì cần huy động vốn kinh doanh mà sẵn sàng đưa ra thông tin khống cùng cam kết lãi suất cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung điều này khiến khả năng nhà đầu tư cá nhân nhận rủi ro là rất lớn.

Nhìn chung trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong tương lai. Tuy nhiên trong đầu tư sẽ không tránh khỏi những rủi ro, vì vậy nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ phân tích đánh giá cẩn thận lựa chọn trái phiếu uy tín để đầu tư tránh tiền mất tật mang.

 

 

Các bài khác:

 
 
Bài viết nổi bật
 
Chat Messenger