Sách nói, Ebook lên ngôi - Động lực chuyển mình của ngành xuất bản thời đại 4.0

 

“Nghe sách” trên các nền tảng đọc sách trực tuyến gần như trở thành thói quen thân thuộc của độc giả trong thời đại 4.0. Điều này mở ra nhiều cơ hội chuyển mình mạnh mẽ cho ngành xuất bản hiện nay.

Sách nói, Ebook lên ngôi trở thành xu hướng đọc của độc giả hiện nay

1. Sách nói, Ebook lên ngôi

Nhờ quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, sách điện tử đã xuất hiện trở lại cùng với thói quen “nghe sách” ngày càng phổ biến của bạn đọc trên các nền tảng sách online như Waka, Voiz FM, Fonos....

Theo thống kê, chỉ tính riêng trong năm 2022, sách điện tử tăng trưởng tới gần 50% so với năm trước đó, đồng thời 3 nền tảng sách điện tử và sách nói lớn nhất hiện nay đã tiếp cận được khoảng 25 triệu độc giả. Hiện nay số nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử đạt 15 đơn vị trên tổng số 57 nhà xuất bản, trong đó, đi đầu là nhà xuất bản Thông tin truyền thông hay nhà xuất bản Trẻ.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo AI tham gia sâu vào các công đoạn sản xuất sách nói ở Việt Nam

2. Công nghệ sản xuất sách điện tử, sách nói ở Việt Nam

Trình độ làm sách điện tử ở Việt Nam hiện nay được đánh giá là không thua kém gì thế giới. Ban đầu, việc thực hiện sách nói chỉ là chuyển từ chữ sang giọng nói, đến hiện tại, sách điện tử đã bước sang thế hệ thứ 3 kết hợp cả chữ, âm thanh và hình ảnh minh họa.

Đặc biệt, Công nghệ trí tuệ nhân tạo AI tham gia sâu vào các công đoạn, từ thiết kế bìa, chuyển định dạng ngôn ngữ cho đến giọng đọc. Đây là một trong những công nghệ cải tiến nỗ lực đáng khen của ngành sản xuất sách điện tử ở Việt Nam.

Ngành xuất bản điện tử tăng trưởng mạnh mẽ những năm trở lại đây

3. Tốc độ tăng trưởng ngành xuất bản điện tử ở Việt Nam

Nhờ sự phát triển ngày càng phổ biến của điện thoại thông minh, những người yêu sách từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi đến miền ngược, từ con trẻ đến người già đều có thể tiếp cận văn hóa đọc, đọc sách điện tử, nghe sách nói từ đó tạo động lực thúc đẩy ngành xuất bản điện tử.

Năm 2020, lần đầu tiên Ngày sách Việt Nam được tổ chức hoàn toàn trên không gian mạng, tại sàn thương mại điện tử book365.vn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hội sách trực tuyến năm đó đã ghi nhận tới gần 2 triệu lượt xem, trong đó có tới 6.000 đơn đặt mua sách và hơn 10.000 cuốn sách được chuyển tới tay độc giả.

Đến năm 2021, Book365.vn cũng ghi nhận có hơn 40.000 cuốn sách đưa tới tay độc giả với sự ủng hộ của gần 100 đơn vị; Chương trình khuyến đọc với tài trợ hơn 30.000 cuốn sách trợ giá 50-90% cho bạn đọc vùng xa.

Theo thống kê đến năm 2022, số lượng xuất bản điện tử đã nhiều hơn và doanh thu sách nói lên đến 100 tỷ là một con số ấn tượng.

Năm 2022 đã có 19/57 nhà xuất bản, chiếm 33,3% tổng số nhà xuất bản tham gia đăng ký xuất bản và phát hành điện tử (tăng 72,7%). Tại TP.HCM, năm 2022 có tốc độ tăng trưởng ngành xuất bản điện tử khá cao, với 3.200 đầu sách điện tử được xuất bản và khoảng 4 triệu lượt người dùng.

Chuyển đổi số là giải pháp trọng tâm trong xuất bản điện tử

4. Thách thức ngành xuất bản điện tử sách nói ở Việt Nam

Nếu cách đây 2-3 năm, các nhà xuất bản còn hờ hững về xuất bản điện tử, thì Từ năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông giao Cục Xuất bản, In và Phát hành xây dựng chiến lược phát triển của ngành. Trong đó, chuyển đổi số trở thành 1 trong 7 giải pháp trọng tâm của ngành xuất bản.

Tuy nhiên việc chuyển đổi số cũng tạo nên không ít thách thức đặc biệt là về mặt công nghệ, mô hình kinh doanh và sản phẩm phục vụ, cạnh tranh thị trường,... ngày càng phải chỉn chu hơn, chất lượng hơn, hoàn thiện hệ thống pháp lý triệt để các hành vi chia sẻ lậu, bất hợp pháp các ebook, audiobook, mạng xã hội…đáp ứng vấn đề bản quyền, từ đó tạo đột phá cho ngành xuất bản, giúp chuyển đổi số ngành sách ngày càng mạnh mẽ hơn, thành công hơn.

Chuyển đổi số không phải là câu chuyện của riêng Cục Xuất bản, In và Phát hành mà là sự chung tay nỗ lực của rất nhiều đơn vị, từ cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị xuất bản, phát hành, các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ, các công ty nghiên cứu và cung cấp các ứng dụng công nghệ cho xuất bản.

Vì vậy, muốn chuyển đổi số thì phải có sự nhận thức, thay đổi nhận thức từ lãnh đạo của các nhà xuất bản, những người chịu trách nhiệm về sự phát triển của đơn vị. Bên cạnh đó là phải có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu và hành lang pháp lý đảm bảo cho cả sự phát triển và an toàn.

5. Vấn đề bản quyền sách nói ở Việt Nam

Được xem là thị trường tiềm năng trong thời đại 4.0 tuy nhiên, để kinh doanh sách điện tử hay sách nói, doanh nghiệp cần có hệ thống kinh doanh riêng khác biệt hoàn toàn với mô hình của sách giấy.

Trong đó, nền tảng công nghệ là khâu tiên quyết, và cũng được xem là khó khăn lớn nhất đòi hỏi đầu tư rất nhiều chi phí, nhân lực và thời gian. Theo nhiều chuyên gia, cần phải tính đến các giải pháp chia sẻ, hợp tác giữa các nhà xuất bản nhỏ với các nhà xuất bản lớn đã có sẵn nền tảng.

Vấn đề bản quyền cũng đặt ra nhiều thách thức, khi nạn sao chép lậu vẫn còn hoành hành rất phổ biến trên môi trường mạng tại Việt Nam.

Theo ông Lê Hoàng Thạch, CEO của ứng dụng sách nói và Podcast VoizFM, từ năm 2019 đến 2020 - giai đoạn “bùng nổ” nhất của sách nói, thiệt hại ước tính của những hành vi phi pháp, vi phạm bản quyền lên tới hàng tỷ đồng mỗi tháng.

Nhằm bảo vệ quyền lợi của các tác giả và nhà xuất bản, từ giữa 2020 đến nay, đại diện Podcast VoizFM cho biết đã báo cáo những trường hợp vi phạm bản quyền (đăng tải nội dung do Voiz FM sản xuất hoặc giữ bản quyền) trên những nền tảng YouTube, Spotify... Các nền tảng công nghệ này đã hợp tác gỡ hơn 30.000 nội dung sách nói vi phạm bản quyền.

Tương tự ra đời giữa năm 2020, hiện ứng dụng sách nói Fonos của Công ty cổ phần Fonos đã có hàng trăm tựa sách có bản quyền từ các đơn vị xuất bản uy tín trên cả nước, với khoảng 100.000 người dùng.

Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức phía trước nhưng với sự quan tâm của các cơ quan ban ngành liên quan, cùng sự ủng hộ của quý độc giả, sách nói, sách điện tử hứa hẹn sẽ ngày càng bùng nổ hơn nữa trong tương lai giúp ngành xuất bản điện tử chuyển mình ngoạn mục. Cùng đón nhờ nhé!

 

 

Các bài khác:

 
 
Bài viết nổi bật