Điểm mặt 8 chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dùng qua mạng phổ biến nhất hiện nay

 

Các chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dùng thông qua mạng xã hội mặc dù không mới và liên tục được thời sự, báo chí đưa tin cảnh báo hàng ngày nhưng số lượng nạn nhân “sập bẫy” vẫn không ngừng gia tăng với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Ngay bây giờ, hãy cùng chúng tôi điểm mặt các chiêu trò lừa đảo người dùng qua mạng phổ biến nhất hiện nay và tìm cách phòng tránh nhé. 

Nhóm đối tượng lừa 2 cô gái Việt hơn 1.2 tỷ đồng nhờ vào chiêu trò chuyển tiền để nhận quà từ nước ngoài

1. Nhận quà từ bạn nước ngoài làm quen qua mạng

Để thực hiện trót lọt chiêu trò lừa gạt này, các tượng lừa đảo sẽ tìm kiếm “con mồi” thông qua việc kết bạn trên các nền tảng mạng xã hội, sau đó nhắn tin hoặc gọi điện và tự giới thiệu mình là người nước ngoài biết nói tiếng Việt Nam hoặc là người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài cần tìm bạn để tâm tự, tạo mối quan hệ với nạn nhân thông qua mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo.

Sau một thời gian liên lạc, khi cảm thấy đã tạo được lòng tin, đối tượng lừa đảo sẽ ngỏ ý muốn  gửi quà, tiền ngoại tệ từ nước ngoài về Việt Nam. Sau đó, sẽ yêu cầu nạn nhân nếu muốn nhận thì phải gửi chi phí vận chuyển, thuế,... vào tài khoản của các đối tượng cung cấp rồi chiếm đoạt số tiền đó.

Gọi điện thoại tự nhận là cơ quan chức năng điều tra yêu cầu cung cấp thông tin, tài khoản,...

2. Tự xưng là cơ quan chức năng gọi điện thông báo điều tra

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của những người dân cùng tâm lý lo lắng nhẹ dạ cả tin, không muốn gặp phải những hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống bản thân và gia đình các đối tượng lừa đảo thường sẽ điện thoại hoặc nhắn tin để cáo buộc nạn nhân đang liên quan đến những đường dây tội phạm hay nghi vấn có giao dịch bất hợp pháp, yêu cầu chuyển tiền để tại ngoại, cung cấp bằng chứng ngoại phạm,... Số tiền mà kẻ gian chiếm đoạt được trong các “phi vụ” áp dụng hình thức này thường khá lớn.

Đối tượng xấu dựa theo cách nhắn tin thường ngày để nhắn tin mượn tiền của bạn bè người thân nạn nhân

3. Hack Facebook nhắn tin mượn tiền

Hình thức lừa đảo hack Facebook nhắn tin mượn tiền không phải mới, nhưng những thủ đoạn của kẻ lừa đảo nay cũng đã tinh vi hơn trước rất nhiều.

Đầu tiên, kẻ gian sẽ hack được tài khoản Facebook của người dùng rồi sử dụng Messenger nhắn tin tới bạn bè, người thân của họ để vay tiền. Thủ đoạn tinh vi đến nổi chúng có thể nhắn tin với phong cách lời văn y hệt như chính chủ tài khoản đang nhắn tin.

Đặc biệt, chúng sẵn sàng bật cuộc gọi video nhưng chỉ khoảng 4-5 giây sẽ tắt ngay với lý do đang đi đường  sau đó chúng sẽ gửi tấm ảnh tấm ảnh mà chính chủ tài khoản đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình rồi cắt ghép, chỉnh sửa vào 1 ảnh khác đang ở ngoài đường, và giảm chất lượng hình ảnh xuống khá thấp, chỉ đủ để nhận ra mặt để nạn nhân không nghi ngờ mà chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của chúng.

Khi gặp trường hợp này bạn cần bình tỉnh gọi vào chính số điện thoại của người yêu cầu chuyển tiền để xác nhận hoặc nhắn tin yêu cầu gặp mặt trực tiếp (nếu không gọi điện được) để xác minh trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào để tránh mất tiền oan.

Bạn sẽ mất sạch tiền nếu truy cập vào các đường link trúng thưởng tài sản có giá trị

4. Thông báo trúng thưởng tiền, tài sản có giá trị

Thời điểm cận Tết Âm lịch, là lúc giao dịch mua sắm rất nhiều nên kẻ gian đã lợi dụng tình hình này để giả danh các thương hiệu và thông báo tới người mua hàng rằng họ đã trúng thưởng những phần quà có giá trị khi mua sản phẩm.

Sau đó chúng sẽ gửi tin nhắn SMS hoặc email kèm theo đó là đường link điền thông tin nhận thưởng, để nạn nhân đăng nhập thông tin cá nhân, tên đăng nhập, mật khẩu tài khoản ngân hàng cũng như mã OTP (mật khẩu dùng một lần) gửi từ ngân hàng để chiếm đoạt số tiền trong tài khoản của nạn nhân. Hoặc cũng có lúc kẻ gian sẽ thông báo nạn nhân đã trúng thưởng và yêu cầu chuyển khoản 1 số tiền để làm hồ sơ nhận thưởng.

Chiêu trò giả mạo ngân hàng để gửi link đánh cắp thông tin ngân hàng

5. Gửi link giả để đánh cắp thông tin ngân hàng

Kẻ gian sẽ giả mạo tin nhắn của ngân hàng và gửi cho người dùng một đường link với nội dung là: thông báo nâng cấp hệ thống, xác thực tài khoản đang được tiêu dùng ở nước ngoài, thông báo khách hàng trúng thưởng, tài khoản đang bị khóa,... yêu cầu người dùng truy cập vào đường link đã được gửi và đăng nhập để xác nhận, mở khóa tài khoản,... Nếu khách hàng truy cập vào, cung cấp thông tin, tài khoản, kẻ gian sẽ chiếm đoạt tiền từ tài khoản.

Đối tượng xấu nhắn tin chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng của người dùng và hăm dọa đòi yêu cầu chuyển trả lại

6. Chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng

Đây là một chiêu trò lừa đảo khá mới được các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của nạn nhân để thực hiện hành lừa đảo.

Cụ thể là bằng một cách nào đó sau khi có được số tài khoản ngân hàng, tên và một số thông tin cá nhân của người dùng. Các đối tượng sẽ cố ý chuyển nhầm một số tiền đến tài khoản ngân hàng của người bị hại, tạo ảnh và chỉnh sửa như thông báo chuyển khoản thành công của ngân hàng. Sau đó sẽ yêu cầu người bị hại phải chuyển lại số tiền tương ứng cùng với một khoảng lãi suất lớn và hăm dọa nếu không thực hiện theo lời của bọn chúng.

Kẻ gian dụ dỗ người dân tải các app tài chính để đầu tư tiền ảo sau đó chúng đóng cửa app hoặc website

7. Kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo

Những năm gần đây, tiền ảo và lĩnh vực đầu tư tài chính 4.0 đang trở thành xu thế dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh,.vì vậy các đối tượng lừa đảo lại có thêm nhiều chiêu trò mới.

Các đối tượng sẽ lập ra các website giả mạo với tên miền và giao diện người dùng rất giống với các website của các công ty tài chính lớn. Sau đó bọn chúng sẽ kêu gọi đầu tư, dụ dỗ, lôi kéo đánh vào lòng tham của nhiều người và chiếm đoạt số tiền đó.

Các đối tượng lừa đảo sẽ tạo ra các sàn tiền ảo và cam kết với người chơi rằng sẽ nhận được lãi suất cao nhưng lại an toàn và không cần phải tốn thời gian, trí tuệ.

Thời gian đầu nạn nhân sẽ được nhận đủ số tiền lãi đã được thông báo trước đó. Do thấy lợi trước mắt nhiều người đã gom góp hết số tiền hiện có thậm chí còn đi vay mượn thêm bên ngoài để mong được “đổi đời”. Và sau một thời gian thì sàn giao dịch thông báo ngừng hoạt động để bảo trì, lúc này khách hàng không thể đăng nhập cũng như rút tiền ra ngoài thì mới biết rằng mình đã bị lừa đảo nhưng đã quá muộn màng.

Lợi dụng dịch bệnh để bán các thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng lừa mọi người

8. Lợi dụng dịch bệnh để gửi link độc hoặc lừa bán thuốc giả

Năm nay do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, một số đối tượng đã lợi dụng tình hình này để thực hiện hành vi lừa đảo như gửi thư điện tử và tệp đính kèm hoặc chèn các đường link dẫn đến các nội dung về tình hình dịch bệnh. Khi mở tệp đính kèm hay click vào đường dẫn thiết bị của nạn nhân sẽ bị tấn công bởi các mã độc từ đó thông tin của nạn nhân sẽ bị đánh cắp.

Mặc khác, các đối tượng lừa đảo còn đăng bài quảng cáo tung tin giả, sai sự thật để bán các sản phẩm thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc khiến nhiều người nhẹ dạ, cả tin mua phải hàng giả hàng nhái, “tiền mất, tật mang”.

9. Khi nhận thấy dấu hiệu bị lừa đảo chúng ta cần phải làm gì?

Khi nhận thấy dấu hiệu bị lừa đảo nêu trên bạn cần phải tỉnh táo không làm theo các yêu cầu của đối tượng xấu, nếu được bạn cần chụp màn hình các tin nhắn, lịch sử trò chuyện hoặc bật chế độ ghi âm cuộc gọi để làm bằng chứng sau này.

Nếu bạn đã lỡ bị lừa mất một khoản tiền trở thành người bị hại bạn cần trình báo, tố giác ngay với cơ quan chức năng có thẩm quyền ngay tại địa phương hoặc gọi điện đến đường dây nóng của công an và làm theo hướng dẫn.

10. Cách phòng tránh lừa đảo để không bị mất tiền

Tội phạm ngày càng có nhiều hành vi, thủ đoạn tin vi, vì thế để tránh sập bẫy của các đối tượng lừa gạt chúng ta cần:

Không nên gọi lại các số máy lạ, có đầu số quốc tế, không phải mã Việt Nam

Chỉ cung cấp thông tin cá nhân cho những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, ngân hàng khi biết chính xác rằng họ dùng thông tin của mình với mục đích gì.

Không truy cập cung cấp bất kỳ thông tin nào cho các đường link lạ được gửi qua SMS, mạng xã hội, Gmail,....

Khi nhận được tiền “chuyển nhầm” thì không được sử dụng số tiền ấy hoặc chuyển lại cho người gửi mà phải báo ngay cho ngân hàng để được giải quyết.

Không tin vào những phần thưởng “từ trên trời rơi xuống”, cần tỉnh táo khi được yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng hay nạp tiền qua thẻ điện thoại dù là tin nhắn từ bạn bè người thân

Không để bị lôi kéo tham gia vào các sàn giao dịch đầu tư tiền ảo, tài chính tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trên đây là 8 chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dùng qua mạng phổ biến nhất trong năm 2021 mà chúng tôi đã tổng hợp, mọi người tham khảo và cùng chia sẻ cho người thân bạn bè mình cùng cảnh giác. Đừng quên chia sẻ cho chúng tôi những chiêu trò lừa đảo mới mà bạn biết để mọi người cùng nhau tránh nhé.

 

Các bài khác:

 
 
Bài viết nổi bật
 
Chat Messenger