Thuật toán Tiktok "thao túng tâm lý”, gây nghiện như thế nào?

 

Có bao giờ bạn thấy ngạc nhiên khi Tiktok quá hiểu bạn? Bạn sẽ bắt gặp hàng loạt các video thú vị đúng với sở thích và chủ đề mà bạn quan tâm khi mở Tiktok lên dù bạn không hề đề cập đến. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem Tiktok đã “thao túng tâm lý” gây nghiện cho người dùng như thế nào nhé!

Tiktok nền tảng video âm nhạc ngắn và mạng xã hội “hot nhất hiện nay”

1. Sự phát triển đáng kinh ngạc của Tiktok

Tiktok được biết đến là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội đình đám ra đời năm 2016 tại Trung Quốc với tên gọi Douyin. Vào năm 2017, ByteDance (Cha đẻ của Tiktok có trụ sở tại Bắc Kinh Trung Quốc) bắt đầu mở rộng ra ngoài Trung Quốc với phiên bản mang tên Tiktok. Mặc dù chỉ mới ra mắt nhưng Tiktok nhanh chóng vượt qua những người anh lớn như: Facebook, Instagram, Youtube trở thành ứng dụng iOS được tải xuống nhiều nhất toàn cầu với 104 triệu lần trên App Store trong nửa đầu năm 2018 (theo CNBC).

Tháng 8/2018 cũng được xem là cột mốc quan trọng của Tiktok tại thị trường Mỹ khi ByteDance mua lại ứng dụng musical.ly. Theo Sensor Tower với sự kết hợp này, TikTok đạt hơn 1,5 tỷ lượt tải về trên Google Play và App Store toàn cầu vào năm 2019. Đặc biệt, đến quý 1 năm 2022, với 3,5 tỷ lượt tải xuống, TikTok trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên toàn thế giới (theo Sensor Tower).

Tại Việt Nam, theo DataReportal, tính đến tháng 2/2023, hiện có khoảng 77,93 triệu người dùng Internet tương đương hơn 64% người dùng Internet tại Việt Nam sử dụng Tiktok. Tương đương với có hơn 64% tại Việt Nam đang sử dụng TikTok. Người dùng TikTok chiếm tới gần 71,3% trong số người dùng mạng xã hội ở Việt Nam.

Nhiều người dùng trên thế giới đang nghiện Tiktok

2. Vì sao nhiều người dùng toàn cầu đang nghiện Tiktok

Mặc dù Tiktok giới hạn người dùng dưới 13 tuổi, tuy nhiên một khảo sát của Ofcom chỉ ra rằng có đến khoảng 16% số người xem Tiktok là trẻ em thuộc độ tuổi từ 3-4 tuổi, và trẻ 5-7 tuổi chiếm đến 29%. Tờ The Guardian cũng nhận định rằng TikTok đang trở thành cơn nghiện mới của giới trẻ.

Theo kết quả mà Tờ Cosmopolitan công bó thì, trong số 1 tỷ người TikTok trên thế giới thì có đến 6,4% (tương đương 64 triệu người) thuộc nhóm có “nguy cơ” nghiện ứng dụng này, trong khi có đến 25,4% nhóm người thuộc nguy cơ thấp nhưng vẫn có thể bị nghiện.

Để lý giải cho vấn đề này, theo Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam thì người dùng đang dần bị nghiện Tiktok do ứng dụng này sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo AI, phân tích dữ liệu người dùng nhờ đó, Tiktok có thể dự đoán và hiểu được thói quen xem các video của người dùng từ đó đưa ra các gợi ý nội dung thuộc sở thích của mỗi cá nhân khiến người xem thấy thỏa mãn, lướt Tiktok lâu hơn và nghiện lúc nào không hay.

Học sâu và xử lý dữ liệu theo thời gian thực với mô hình Monolith là thuật toán được Tiktok dùng để để xuất video thu hút người dùng

3. Tik Tok sử dụng thuật toán gì thu hút người dùng?

Nhờ vào thuật toán học sâu và xử lý dữ liệu theo thời gian thực, cốt lõi là hệ thống mô hình AI tân tiến Monolith - Công cụ phân tích, học hỏi hành động của người dùng trong thời gian thực họ trên Tiktok,  dựa trên nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm nhằm tạo ra các đề xuất phù hợp, cá nhân hóa theo sở thích thói quen của từng đối tượng để thu hút người dùng.

Cụ thể, Tiktok sẽ đưa ra nhiều video thuộc nhiều nội dung khác nhau để thăm dò, khảo sát hành vi của người dùng đối với video như: cách mà họ tương tác với video, thời gian xem video, số lần xem lại, chia sẻ, bình luận,....  Từ những dữ liệu thu được, Tiktok sẽ dùng thuật toán để học dữ liệu của người dùng và phân loại thành những nhóm khác nhau theo sở thích. Đồng thời phản hồi lại những nội dung video mới theo sở thích của người dùng mà thuật toán phân tích được, theo đó, người dùng buộc phải tương tác lại với nội dung Tiktok đề xuất. Nói cách khác Tiktok đang sử dụng thuật toán, tạo ra AI phục vụ nhu cầu riêng trên từng người dùng.

Tiktok khiến người dùng quan ngại với nội dung bẩn độc hại xuất hiện ngày càng nhiều

4. Nội dung bẩn, độc hại tràn lan trên Tiktok

Bên cạnh sự tăng trưởng vượt bậc như vũ bão, liên tiếp xô đổ kỷ lục người dùng, Tiktok hiện đang tràn lan các nội dung bẩn độc hại, nội dung nhảm nhí câu view bất chấp, trái thuần phong mỹ tục, truyền bá mê tín dị đoan, nơi phát tán các tin giả, tin sai lệch về chính trị Việt Nam,... ảnh hưởng tiêu cực thậm chí là cả tính mạng thanh thiếu niên trên khắp thế giới trong đó có cả Việt Nam.

Cụ thể, một số xu hướng vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của con ngưởi nhưng được giới trẻ cực kỳ hưởng ứng trên Tiktok như: thử thách “thiên thần của cái chết” (angel of death challenge), thử thách “thổi ngón tay cái” (thumb blowing challenge), thử thách “ngạt thở” (blackout challenge), thử thách “benadryl” (benadryl challenge),....

Hay gần đây người dùng lấy trào lưu “hướng nghiệp, chọn ngành học” để phán xét ngành học, chê bai môi trường giáo dục, tuyên truyền lệch lạc, khiến nhiều học sinh lớp 12 hoang mang, mất phương hướng trước thềm kỳ thi quan trọng.

Theo báo cáo minh bạch của mình, TikTok cho biết đã xóa 1,7 triệu video tại Việt Nam vì vi phạm chính sách trong quý IV/2022, với 94,9% là chủ động xóa. Đồng thời, Trong nửa đầu 2022, TikTok nhận được yêu cầu xử lý 292 video từ Chính phủ, trong đó xóa 197 video, chiếm 67,5% số yêu cầu.

Tuy nhiên trước khi các video có nội dung bẩn, độc hại được Tiktok xóa, thì chúng đã xuất hiện một khoảng thời gian đủ để người dùng ghi nhớ, bàn tán và có những tác động tiêu cực đến bộ phận người dùng đặc biệt là thanh thiếu niên.

5. Sử dụng Tik Tok và mạng xã hội khác một cách thông minh

Không riêng Tiktok, hầu như tất cả các mạng xã hội đều có những mặt tích cực và tiêu cực. Vì vậy chúng ta cần chọn lọc nội dung phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục để tiếp cận, không ủng hộ, tiếp tay phát tán những nội dung bẩn, xấu độc hại, phản cảm, tin giả sai lệch chống đối Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó người dùng cần hạn chế thời gian sử dụng Tiktok, không nên sa đà bỏ ra quá nhiều thời gian chỉ để lướt Tiktok một cách vô thức. Hơn hết, các bật phụ huynh nên hạn chế, giám sát trẻ nhỏ khi chúng xem Tiktok để tránh những nội dung tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Tiktok hay bất kỳ mạng xã hội nào được tạo nên đều có những thuật toán riêng để thu hút giữ chân người dùng. Vì vậy để tránh bị “thao túng”, sa đà đến “nghiện” chúng ta hãy tham gia một cách thật tỉnh táo, và thông minh, chủ động tiếp nhận các vấn đề một cách tích cực nhé!

 

 

 

 

Các bài khác:

 
 
Bài viết nổi bật
 
Chat Messenger